Hệ thống xử lý nước thải bao gồm những bộ phận nào

Mỗi một hệ thống xử lý nước thải sẽ được điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với tính chất hóa học của từng loại nước thải cụ thể. Tuy nhiên chúng đều bao gồm các bộ phận cơ bản sau:

1 Bể tiếp nhận.

Trong quá trình đi vào bể gom, nước thải sẽ đi qua song chắn rác thường làm bằng kim loại để giữ lại các tạp chất vật thô như giẻ, rác, bao nilon, và các vật thải khác. Công tác này giúp bảo vệ các thiết bị xử lý như bơm, đường ống, mương dẫn…

Bể gom: là nơi tiếp nhận nguồn nước thải trước khi đi vào các công trình xử lý nước thải tiếp theo. Bể gom thường được làm bằng bê tông, xây bằng gạch.

2 Bể điều hòa:

Được dùng để duy trì lưu lượng dòng chảy, điều chỉnh độ pH đến giá trị thích hợp cho quá trình xử lý sinh học. Trong bể có hệ thống thiết bị khuấy trộn để đảm bảo hòa tan và san đều nồng độ các chất bẩn trong toàn thể tích bể và không cho cặn lắng trong bể, pha loãng nồng độ các chất độc hại nếu có. Ngoài ra còn có thiết bị thu gom và xả bọt, váng nổi. Tại bể điều hòa nước thải được về trạng thái trung tính, tức pH vào khoảng 6.5 – 8.5.

Bể điều hòa
Bể điều hòa

3 Bể xử lý sinh học kỵ khí.

Các quá trình phân hủy chất hữu cơ, vô cơ có trong nước thải khi không có oxy sẽ diễn ra tại đây. Nước thải được đưa trực tiếp vào phía dưới đáy bể và được phân phối đồng đều ở đó, sau đó chảy ngược lên xuyên qua lớp bùn sinh học dạng hạt nhỏ. Các chất hữu cơ, vô cơ sẽ được tiêu thụ ở đây.

Quá trình chuyển hóa các chất bẩn trong nước thải bằng vi sinh yếm khí xảy ra theo ba bước:

  • Bước 1: Một nhóm các vi sinh vật tự nhiên có trong nước thải sẽ thủy phân các hợp chất hữu cơ phức tạp và lipit thành các chất hữu cơ đơn giản có trọng lượng nhẹ như monosacarit, amino acid để tạo ra nguồn thức ăn và năng lượng cho vi sinh hoạt động.
  • Bước 2: Nhóm vi khuẩn tạo men acid biến đổi các hợp chất hữu cơ đơn giản thành các acid hữu cơ thường là acid acetic, acid butyric, acid Propionic. Ở giai đoạn này pH của dung dịch giảm xuống.
  • Bước 3: Các vi khuẩn tạo metan chuyển hóa hiđrô và acid acetic thành khí metan và cacbonic. Lúc này pH của môi trường sẽ tăng lên.

4 Bể sinh học hiếu khí.

Đây là phương pháp sử dụng nhóm vi sinh vật hiếu khí, hoạt động trong điều kiện cung cấp oxy liên tục. Quá trình oxy hóa sinh hóa nhờ vi sinh vật giúp phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải. Các vi sinh vật hiếu khí sẽ phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải và thu năng lượng để chuyển hóa thành tế bào mới, chỉ một phần chất hữu cơ bị oxy hóa hoàn toàn thành CO2, H2O, NO3-, SO42-,…

Tốc độ quá trình oxy hóa sinh hóa phụ thuộc vào nồng độ các chất hữu cơ, hàm lượng các tạp chất, mật độ vi sinh vật và mức độ ổn định lưu lượng của nước thải ở trạm xử lý. Bể sinh học hiếu khí truyền thống thường có tải trọng chất hữu cơ của dao dộng từ 0,32-0,64 kg BOD/m3.ngày đêm. Nồng độ oxy hòa tan trong nước thải ở bể sinh học hiếu khí cần được luôn luôn duy trì ở giá trị lớn hơn 2,5 mg/l.

Vi sinh vật tồn tại trong bùn hoạt tính của bể sinh học bao gồm Pseudomonas, Zoogloea, Achromobacter, Flacobacterium, Nocardia, Bdellovibrio, Mycobacterium, và hai loại vi khuẩn nitrate hóa Nitrosomonas và Nitrobacter. Thêm vào đó, nhiều loại vi khuẩn dạng sợi như Sphaerotilus, Beggiatoa, Thiothrix, Lecicothrix, và Geotrichum cũng tồn tại.

Để thực hiện quá trình oxy hóa sinh hóa các chất hữu cơ hòa tan, chất keo và các chất phân tán nhỏ trong nước thải cần di chuyển vào bên trong tế bào vi sinh vật.

5 Bể lắng.

Sau khi qua bể xử lý sinh học hiếu khí, nước thải được đưa bể lắng. Nước sạch được thu đều trên bề mặt bể lắng thông qua máng tràn, bùn vi sinh được lắng và thu gom về bể hiếu khí, 1 phần bùn tuần hoàn về bể chứa bùn.

6 Bể khử trùng.

Sau 5 bước xử lý thì nước thải gần như đã được kiểm soát về mặt hóa học, tuy nhiên vẫn chưa thể loại trừ triệt để các loại vi khuẩn, nhất là vi trùng gây bệnh và truyền nhiễm. Bởi vậy, sau giai đoạn xử lý sinh học cần thực hiện khử trùng nước thải trước khi xả vào môi trường. Để khử trùng nước thải, người ta dùng Chlorine. Chlorine là chất có tính oxi hóa mạnh, nó sẽ khuếch tán xuyên qua vỏ tế bào vi sinh vật và gây phản ứng với men bên trong của tế bào vi sinh vật, làm phá hoại quá trình trao đổi chất khiến cho vi sinh vật bị tiêu diệt.

7 Bể chứa bùn thải.

Đây là bộ phận cuối cùng trong hệ thống xử lý nước thải. Bùn ở bể lắng sẽ được chuyển về bể thu gom và được hút bỏ định kì bằng xe chuyên dụng xử lý nước thải công nghiệp.

Một hệ thống xử lý nước thải
Một hệ thống xử lý nước thải

Trên đây là một số bộ phận cơ bản trong một hệ thống xử lý nước thải. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải. Quý khách quan tâm vấn đề này có thể liên hệ trực tiếp:

Mr. Hà Quang Ngọc

Tel: 0913762386

Email: ngochq@vuhoangco.com.vn